Saturday, 20/04/2024 - 06:56|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của TRƯỜNG THCS ĐẠI ÁNG

“NÊU GƯƠNG” TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

        Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 (1945-2019) và 50 năm công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo Văn nghệ vừa đăng loạt bài của các nhà văn, nhà trí thức và hoạt động xã hội uy tín, trao đổi về 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang được toàn Đảng, toàn dân tích cực hưởng ứng. Đồng thời, Ban biên tập cũng nhận được nhiều ý kiến trực tiếp và gián tiếp của đông đảo bạn đọc trong cả nước trao đổi về chủ đề báo nêu cũng như phản hồi về nội dung các ý kiến đã đăng. Văn Nghệ xin giới thiệu ý kiến của nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Ủy viên TW Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa TW, trao đổi về chủ đề trên đây.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh TL

Nhà báo Hà Đăng khẳng định:

            - Trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Bác Hồ đã trước hết nói về Đảng với một ý nguyện: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương cụ thể sáng ngời về một con người vừa là lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Tư tưởng nêu gương quán xuyến cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Từ năm 1924, khi theo học tại Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, Người đã từng phát biểu: Một tấm gương sống còn hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Cho đến sau này trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước Việt Nam độc lập, Người luôn thực hành nêu gương và quan tâm đến việc nêu gương đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư” của cán bộ, đảng viên. Có thể nói, nêu gương không chỉ là yêu cầu, chỉ thị của Bác mà đó là một nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh, từ trong cuộc sống của Bác đã hình thành một mẫu mực về đạo đức cộng sản.

 

Thưa ông, khi Bác nói “Đảng ta là một Đảng cầm quyền...” là phải chăng Người muốn nhấn mạnh những yêu cầu về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong môi trường quyền lực, liên quan đến vấn đề “kiểm soát quyền lực” trong công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền hiện nay?

            - Đúng là phải hiểu trọn vẹn ý “cầm quyền” trong lời căn dặn của Bác. Khi Đảng lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền thì chính quyền phải thực sự là của nhân dân, vì nhân dân. Lúc đó, Đảng vững mạnh thì chính quyền vững mạnh, Đảng viên tốt thì cán bộ tốt, Đảng nêu gương thì quần chúng tin tưởng... chứ không phải Đảng cầm quyền thì độc tôn, toàn trị, cửa quyền... Và lúc đó, nêu gương không chỉ là một phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên mà còn là trách nhiệm trước Tổ quốc và  nhân dân; nếu không nêu gương thì không xứng đáng, không đủ tư cách lãnh đạo quần chúng.

Theo tôi, nêu gương trong điều kiện Đảng cầm quyền là phải bao hàm cả phương pháp lãnh đạo lẫn tư chất của người lãnh đạo. Nếu như nêu gương chỉ là cách lãnh đạo, tức là lãnh đạo bằng nêu gương, chỉ coi đó là một mặt của công tác cán bộ, thì chưa đúng. Nêu gương ở đây là nêu tấm gương toàn diện về con người cách mạng. Nêu gương không chỉ là vấn đề tác phong công tác mà đó là vấn đề chính trị lớn. Vấn đề nêu gương không chỉ là chuẩn mực đạo đức của người cộng sản mà còn thể hiện phong cách làm việc, lãnh đạo, phong cách sống của cán bộ đảng viên nói chung, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp.

 

Có một thực tế rất đáng suy ngẫm là trước đây, trong thời gian đầu mới giành được chính quyền cách mạng, nhất là trong những năm kháng chiến cứu nước muôn vàn khó khăn gian khổ, hầu hết cán bộ lãnh đạo các cấp sống trong sáng, sinh hoạt giản dị, gần dân và làm việc có trách nhiệm với dân... thì ngày nay, một bộ phận cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp đúng là những ông “quan cách mạng” như Bác Hồ đã chỉ trích. Họ sống như đế vương, sinh hoạt xa hoa đối lập với cuộc sống cần lao của số đông người dân. Ngày trước có rất nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên trong sáng, mẫu mực, lấp lánh, được nhân dân tôn vinh quý mến... thì ngày nay không ít quan chức lại là những “tấm gương” mờ đục, nhạt nhòa, xấu xí, thậm chí “vấy bẩn” trong con mắt người dân. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?

            - Vấn đề không nêu gương, thực trạng “nêu gương xấu”... là những bài học đau xót của Đảng ta. Đó chính là lý do mà hai nhiệm kỳ liên tiếp gần đây, chỉ trong vòng 5 năm, Đảng ta đã hai lần tổ chức hội nghị Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) để bàn bạc và ra Nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cốt lõi là tìm giải pháp ngăn chặn, khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên Đảng ta đã chính thức đưa vấn đề đạo đức trở thành một trong bốn trụ cột của công tác xây dựng Đảng, đó là: xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Từ sau Đại hội XII, Đảng ta đã triển khai khẩn trương, quyết liệt công cuộc chống tham nhũng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi đối tượng; thi hành kỷ luật Đảng, chính quyền và xử lý hình sự hàng chục cán bộ diện Trung ương quản lý; bao gồm cả đương chức, chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu; trong đó có nhiều cán bộ là Ủy viên TW, nguyên Ủy viên TW và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Công cuộc “đốt lò” của Đảng được toàn dân hoan nghênh và đồng tình, tin tưởng vào quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Đảng ta; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ XHCN. Đặc biệt vừa qua, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã thông qua Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành TW. Việc quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao chính là biện pháp để thực hiện tốt nhất để đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

* Là một cán bộ nhiều năm làm công tác tư tưởng, văn hóa ở cấp cao, theo ông, muốn việc nêu gương thực chất và hiệu quả, cần phải lưu ý những điều gì? Nói cách khác là những yêu cầu có tính bắt buộc của việc nêu gương?

- Theo tôi, để việc nêu gương thực chất và hiệu quả cần chú ý 2 điều.

            Một là: Nêu gương phải từ trên xuống. Cổ nhân dạy: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Điều này đúng cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô. Cha mẹ phải làm gương cho con cái thì gia đình mới hạnh phúc. Thầy cô giáo phải làm gương cho học sinh thì nhà trường mới thực sự là nơi đào luyện con người. Người đứng đầu phải làm gương cho nhân viên và cấp dưới thì mới có cơ quan, đơn vị vững mạnh. Đội ngũ tinh hoa giữ vai trò lãnh đạo, dẫn dắt xã hội phải là những tấm gương cao đẹp soi chiếu đến muôn người, muôn nhà thì đất nước mới có thể phát triển bền vững tới văn minh... Đó là những điều hết sức đơn giản, hiển nhiên; nhưng cũng chính là một trong những quy luật tồn tại, phát triển của của xã hội nói chung, của đảng cầm quyền nói riêng. Bởi vậy trong đời sống chính trị hiện nay, người dân luôn dõi xem Trung ương làm như thế nào, cấp trên làm như thế nào, làm có đúng như nói hay không?

Hai là: Nêu gương là phải chấp nhận hy sinh. Đạo trị nước trong xã hội phong kiến đòi hỏi bậc đế vương, quan lại phải biết “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Chế độ phong kiến vốn hà khắc, nhưng vẫn có một nguyên tắc giáo huấn đội ngũ quan lại là “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”; tức là người cầm quyền và gia đình họ trước hết phải đứng đắn, mực thước, trong sạch, liêm khiết thì mới thể hiện được vai trò dẫn dắt, lãnh đạo, chi phối xã hội. Sinh thời, Bác Hồ dạy cán bộ trong quân đội: “Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt...”. Bác Hồ là một trong những nhà lãnh đạo thấm nhuần sâu sắc nhất tinh thần hi sinh quyền lợi bản thân vì sự nghiệp chung, nên Người trở thành một tấm gương đạo đức mẫu mực, điển hình.

 

Thưa ông, gần đây tại một số diễn đàn sinh hoạt chính trị, ông có nói đến khái niệm “đạo vị” và “văn hóa nhị từ”. Phải chăng đây cũng là một cách tiếp cận vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên trong môi trường chính trị - xã hội hiện nay?

            - “Đạo vị” là chữ của Bác Hồ trong tác phẩm “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” Người viết tháng 6/1949. Ở mục LIÊM, Bác viết: “Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị”. Thủ đoạn của kẻ “đạo vị”, tức là trộm cắp địa vị của người khác, thường thiên biến vạn hóa. Công của người khác thì tranh cho mình. Tội của mình lại đổ lên đầu người khác. Thiếu tài, thiếu đức mà muốn leo cao, giữ ghế lâu thì không gì bằng dùng thủ đoạn.

Còn “Văn hóa nhị từ” là chữ tôi dùng để nói về hai loại hành vi ứng xử: từ chối và từ chức. Tất nhiên, đây là từ chối và từ chức tích cực; chẳng hạn như biết từ chối những nhiệm vụ được giao quá sức mà mình không gánh vác nổi, trong khi xung quanh mình có những người tài giỏi hơn; hoặc như biết từ chối của đút lót, hối lộ và những lời tâng bốc xu nịnh. Tương tự như thế, từ chức tích cực là biết từ chức khi thấy mình không làm tròn nhiệm vụ được giao, có lỗi lớn trong thi hành nhiệm vụ hoặc để xảy ra bê bối trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách. Ở các nước văn minh, từ chức như trên đã trở thành một điều tự nhiên của văn hóa công quyền. Ở ta, việc “treo ấn từ quan” đã có từ thời phong kiến. Dưới chế độ mới, cũng có không ít tấm gương liêm khiết, thành thật xin được từ nhiệm vì thấy mình tài đức chưa xứng với y phục. Tuy nhiên văn hóa từ chức ở ta vẫn còn là thứ “xa xỉ”. Thiết nghĩ, cần có cơ chế luật hóa việc từ chối và từ chức tích cực, để “văn hóa nhị từ” trở thành một biểu hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên được giao chức, giao quyền trong hệ thống chính trị hiện nay.

 

Như vậy, có thể nói khi khẳng định cán bộ là cái gốc của mọi công việc, thì tấm gương của cán bộ, đảng viên chính là nền tảng để “cái gốc” ấy trụ vững và phát triển. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần khắc phục bằng tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay. Đây cũng chính là quá trình đổi mới phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, củng cố niềm tin ngay trong Đảng và niềm tin của nhân dân vào Đảng. Sự gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, sẽ có tác động lan tỏa tích cực trong Đảng, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Xin trân trọng cảm ơn ông về những trao đổi bổ ích, thiết thực trên đây!

                                                                

MAI NAM THẮNG thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 39/2019

Lượt xem: 637
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3
Hôm qua : 22
Tháng 04 : 517
Năm 2024 : 6.292